PHONG CÁCH THIẾT KẾ NỘI THẤT( PHẦN 1)

Phong cách thiết kế nội thất là một cách tiếp cận và cách thức thể hiện sự sắp đặt, bố trí và trang trí không gian nội thất để tạo ra một môi trường sống hoặc làm việc đặc trưng và thẩm mỹ. Nó là sự kết hợp giữa các yếu tố như màu sắc, vật liệu, hình dáng, kiểu dáng và không gian để tạo ra một phong cách và tạo điểm nhấn riêng biệt. Các phong cách thiết kế nội thất có thể khác nhau về nguồn gốc lịch sử, vùng địa lý và xu hướng thời đại. Mỗi phong cách mang trong mình một tinh thần và cái nhìn riêng, từ các phong cách cổ điển và truyền thống như Phục Hưng, Baroque và Châu Á, đến các phong cách hiện đại và tối giản như hiện đại, Bắc Âu và Nhật Bản, v.v… Phong cách thiết kế nội thất không chỉ là việc tạo ra một không gian đẹp mắt, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự thoải mái, tiện nghi và phản ánh cá nhân của chủ nhân không gian đó. Nó có thể thể hiện cái tôi và phong cách sống của mỗi người, tạo nên không gian độc đáo và mang tính cá nhân cao.

1. Phong cách thiết kế đồng quê (Country style)

Phong cách đồng quê mang đến cho không gian hơi thở yên bình, thư thái của các miền quê tại châu Âu, vùng núi phía Bắc Âu hay các nông trại ở Mỹ. Điểm đặc biệt của phong cách này đến từ cách sử dụng nguồn ánh sáng tự nhiên dồi dào, tạo không gian mở. Có thể sử dụng nhiều ô cửa kính kết hợp với rèm rửa để có thể điều chỉnh được ánh sáng khi cần. Khi kết hợp với các gam màu sắc nhẹ nhàng sẽ đem đến sự thoải mái, thư giãn, bình tâm cho gia chủ. Để trang trí thêm, có thể sử dụng các chi tiết hoa lá, bình hoa tươi, đặc biệt là lò sưởi – một trong những món đồ trang trí không thể thiếu trong các không gian nhà phong cách Châu Âu.

Picture1

Vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ của phong cách thiết kế đồng quê (Country style)

Picture2

Thổi hồn không gian cùng một chút hương vị đồng quê nước Pháp thơ mộng và lãng mạn

2. Phong cách cổ điển (classic)

Phong cách thiết kế cổ điển mang lại một ấn tượng mạnh mẽ cho người nhìn bởi sự hoành tráng, mỹ lệ với những món đồ nội thất kích thước lớn cùng các chi tiết hoa văn cầu kỳ. Để tôn lên sự đẳng cấp, quý phái, cần ưu tiên sử dụng những tông màu trầm như màu đen, màu vàng, điểm xuyết các màu tối như đỏ mận, xanh ngọc ruby, xanh navy, … Các chất liệu chủ đạo giúp thể hiện được sự quyền quý trong không gian là những loại vật liệu cao cấp nhất như gỗ tự nhiên, thạch cao cùng các chi tiết mạ vàng. Đây là một phong cách không phải dành cho tất cả mọi người mà chỉ phù hợp cho những gia chủ có điều kiện kinh tế tốt.

Picture3

Sự sang trong trong phong cách thiết kế cổ điển

3. Phong cách thiết kế tân cổ điển

Bắt nguồn từ kiểu thiết kế kiến trúc tại châu Âu trong thế kỷ 18-19, phong cách tân cổ điển mang đến sự đơn giản, cân xứng trong không gian đậm chất hiện đại mà vẫn giữ nét đẹp thanh lịch, quý phái của phong cách cổ điển. Theo đó, các chi tiết cầu kỳ, phức tạp được lược bớt và thay bằng các chi tiết hoa văn mềm mại, nhẹ nhàng hơn. Các tông màu chủ yếu được sử dụng vẫn mang cảm giác quyền quý, sang chảnh nhưng bạn có thể thoải mái phối thêm với màu nâu gỗ và điểm tiết thêm một vài màu nổi như đỏ, xanh dương, … Cùng với đó, cũng cần lưu ý bố cục thiết kế nội thất đảm bảo tỷ lệ đối xứng, giúp tăng tính hoàn mỹ cho không gian.

Picture4

Phong cách nội thất tân cổ điển là sự hòa hợp giữa cổ điển và hiện đại

4. Phong cách nội thất hiện đại

Phong cách thiết kế hiện đại là, bố trí các hình khối không gian đơn giản theo hướng tự do và phi đối xứng. Một số đặc điểm nổi bật của phong cách hiện đại đó là:

  • Sử dụng gam màu trung tính như be, ke, đen, trắng, ghi, xám nhằm đem lại sự tinh tế và thoải mái nhất cho không gian. Tập trung nhấn nhá hình khối nổi bật thông qua các phối màu đậm nhạt phù hợp.
  • Không sử dụng các họa tiết cầu kỳ, rườm rà mà chỉ tập trung vào công năng sử dụng của nội thất.
  • Các món đồ nội thất thông minh đa năng được ưu tiên sử dụng giúp mang đến không gian đơn giản mà vô cùng tiện nghi.
  • Chất liệu sử dụng chủ yếu như thủy tinh, kim loại, gỗ ép, bê tông với thiết kế hiện đại, đáp ứng tốt nhất nhu cầu người dùng.
  • Áp dụng không gian mở bằng cách kết hợp các phòng khác nhau thành không gian chung có sự thống nhất về màu sắc, chất liệu, trang trí,…. Ví dụ như phòng khách và phòng bếp. Điều này mang đến một khu vực sinh hoạt rộng rãi, thoải mái và thể hiện rõ được sự tự do, phóng khoáng đặc trưng của phong cách này.
  • Tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên để mở rộng không gian, tạo cảm giác thoáng sáng, dễ chịu cho người sử dụng.

Picture5 e1687944179770

Nội thất hiện đại có kiểu dáng đơn giản, tập trung vào công năng

5. Phong cách thiết kế nội thất Rustic

Phong cách Rustic mang đến cho không gian sự đơn giản, mộc mạc và lại rất giản dị. Tuy nhiên, phong cách này vẫn toát lên vẻ đẹp tinh tế, ấm cúng cần thiết cho không gian, tạo ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Phong cách kiến trúc độc đáo này bắt nguồn từ nước Mỹ qua chính sách tạo ra những tòa nhà đẹp, hài hòa với thiên nhiên trong công viên quốc gia của chính phủ. Phong cách này phát triển mạnh mẽ vào những năm 60 của thế kỷ 20 và sau đó được áp dụng phổ biến khi thiết kế những ngôi nhà ở vùng ngoại ô Mỹ. Tại đây, các chất liệu thô sẽ được sắp xếp nghệ thuật tạo nên vẻ đẹp mộc mạc, trường tồn và vô cùng lôi cuốn.

Theo đó, các chất liệu đơn giản xuất phát từ thiên nhiên như đá, gỗ, vải thô hoặc thảm bằng gai, đay, linen với hoạt tiết đơn giản, trẻ trung sẽ khiến không gian sống có một cảm giác bình dị, an yên.

Màu sắc được chọn chủ yếu là những tông màu dịu nhẹ, đơn giản, không quá màu mè như ghi, nâu nhạt, vàng nhạt, xanh rêu của đá,…

Picture6

Phong cách thiết kế Rustic khiến không gian hài hòa với thiên nhiên

6. Phong cách Scandinavian (Bắc Âu)

Phong cách thiết kế nội thất Scandinavian xuất hiện lần đầu vào năm 1940 và phát triển mạnh mẽ tại các nước châu Âu trong những năm 1950. Điểm xuất phát của phong cách này là chủ yếu sử dụng các nguồn nguyên liệu tự nhiên có giá thành rẻ. Từ đó, phong cách này được nhiều người ưa chuộng và mở ra tiền đề phát triển phong cách Scandinavian.

Picture7

Phong cách Scandinavian thổi vào trong không gian nhà ở vẻ đẹp ấm áp, nhẹ nhàng

Đơn giản, ấm cúng, tinh tế chính là những đặc trưng nổi bật của phong cách Scandinavian. Điều này thể hiện rõ nhất thông qua những gam màu trung tính mang đến cảm giác dịu mắt, thư giãn cho gia chủ. Chính nhờ đặc điểm này mà phong cách thiết kế nội thất Bắc Âu phù hợp với cả người trẻ và người lớn tuổi.

Các chất liệu tự nhiên như gỗ, đá, lông thú tạo một không gian gần gũi, ấm cúng cho gia chủ. Bên cạnh đó, ánh sáng tự nhiên là yếu tố không thể thiếu khi sử dụng hệ thống cửa sổ lớn, khung trắng kết hợp với màn rèm mỏng vô cùng thơ mộng.

7. Phong cách thiết kế Art Deco

Phong cách thiết kế nội thất Art Deco là một trường phái nghệ thuật mang tính chiết trung xuất hiện lần đầu vào năm 1920 ở Paris, Pháp. Mãi đến năm 1930, phong cách này mới phát triển ra toàn thế giới. Không chỉ ở lĩnh vực thiết kế nhà ở mà phong cách Art Deco còn xuất hiện trong ngành công nghiệp thời trang, trang sức, hội họa, điện ảnh,…

Phong cách Art Deco luôn được thực hiện theo một chủ đề sáng tạo nghệ thuật nhất định. Ví dụ như chim chóc, động vật, hình khỏa thân, cầu thang, cành lá,…Cùng với đó là những họa tiết mạ vàng làm điểm nhấn. Ngoài ra còn có những vật dụng trang trí khác mang tính xa hoa nhằm phô trương sự giàu có, đẳng cấp của chủ sở hữu.

Một số điểm nổi bật của phong cách nội thất Art Deco:

  • Hình ảnh nghệ thuật được cách điều thông qua các họa tiết, tranh ảnh, tượng,…
  • Họa tiết ziczac đẹp mắt tạo hiệu ứng đa chiều
  • Tạo hình các tòa cao ốc lôi cuốn.
  • Các hình tứ giác góc cạnh.

Picture8

Đường nét họa tiết trang trí đặc trưng của phong cách nội thất Art Deco

Picture9

Thổi hồn nghệ thuật cho không gian sống cùng phong cách Art Deco

8. Phong cách thiết kế nội thất tối giản

Phong cách thiết kế nội thất tối giản hay còn được gọi là phong cách Minimalism có nguồn gốc từ phong trào nghệ thuật phương Tây sau chiến tranh thế giới thứ hai. Sau đó, phong cách này phát triển mạnh mẽ vào những năm 1960, 1970 của thế kỷ 20. Ban đầu, chúng chủ yếu xuất hiện trong các tác phẩm điêu khắc của John McCracken, Robert Morris, Frank Stella,…Sau dần, chúng được ứng dụng phổ biến trong nội thất nhà ở, âm nhạc, thời trang,…

 

Picture10

Phong cách tối giản chú trọng vào tối ưu công năng sử dụng

Có thể nói, phong cách thiết kế nội thất tối giản là điển hình của sự gọn gàng, càng ít đồ đạc và chi tiết càng tốt. Chủ yếu dựa trên các dạng hình khối sắc nét và phi đối xứng. Màu sắc cũng chủ yếu lựa chọn những gam màu trung tính đơn giản như trắng, kem, ne, nâu nhạt,…Nội thất có sự tối giản, không quá rườm rà, có thiết kế tinh tế với các chi tiết bằng thép không gỉ hoặc crom.

9. Phong cách thiết kế nội thất Địa Trung Hải (Mediterranean Style)

Nếu Tropical mang đến cảm giác như đang lạc vào rừng nhiệt đới thì phong cách  Địa Trung Hải sẽ hướng đến sự tươi mát mang hơi thở biển cả. Phong cách này tập trung vào sự phối hợp màu sắc, hướng đến giá trị tinh thần nhưng cũng không kém phần khoa học, tiện nghi.

Picture11

Lấy cảm hứng từ biển xanh, cát trắng, nắng vàng nên bảng màu sử dụng trong phong cách thiết kế nội thất Địa trung hải chỉ xoay quanh những tone màu đặc trưng như màu xanh lam, màu đất nung terra, xanh olive, tím oải hương, vàng nhạt và màu trắng. Bên cạnh đó, những chất liệu tự nhiên như gỗ, mây, tre, nứa hay đá cẩm thạch, gạch mosaic, sắt, gốm sứ… cũng được sử dụng nhằm mang đến một tổng thể gần gũi, ấm cúng và đậm chất riêng.

Thiết kế nội thất phong cách Địa Trung Hải mang hơi thở biển cả vào không gian sống của bạn

Bảng màu sử dụng trong phong cách thiết kế Địa Trung Hải sẽ có những quy chuẩn nhất định

10. Phong cách thiết kế nội thất công nghiệp (Industrial Style)

Phong cách Industrial – phong cách công nghiệp đang là một trong những phong cách thiết kế được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Khi nhắc đến cụm từ industrial bạn có thể hình dung ra một tổng thể thô sơ, trần trụi nhưng lại có sức quyến rũ khác biệt. Nếu những phong cách khác luôn tìm cách che đi những khuyết điểm dù là nhỏ nhất trên bề mặt tường, trần, sàn… thì industrial lại tìm cách thể hiện rõ những khuyết điểm ấy.

Tuy sinh sau đẻ muộn hơn một loạt những phong cách nổi tiếng khác nhưng industrial lại gây được ấn tượng cho người nhìn bởi nét thô ráp, mạnh mẽ trong từng đường nét. Vậy nên nếu bạn thuộc tuýp người ưa chuộng nét đẹp mộc mạc, tự nhiên nhưng vẫn thể hiện được sự mạnh mẽ, táo bạo và tinh tế thì nên cân nhắc lựa chọn phong cách Industrial cho tổ ấm của mình.

Picture13

Phong cách Industrial với đường nét mạnh mẽ ghi ấn tượng ngay từ khi vừa chạm mắt

Picture14

Không chỉ ứng dụng trong nhà ở, đây còn là phong cách yêu thích của các quán cafe, văn phòng

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *